Vì là một loại hàng hóa nên giá vàng cũng bị ảnh hưởng và tác động bởi tiền tệ, trong đó vàng và tiền tệ từ trước đến nay vẫn duy trì mỗi quan hệ tương quan nghịch. Đặc biệt, mối quan hệ giữa giá vàng và USD có lẽ là mối quan hệ tương quan nghịch được biết đến rộng rãi nhất.
Chính vì thế, việc biến động đồng USD cũng ảnh hưởng không nhỏ tới giá vàng và nhiều chuyên gia có quan điểm rằng khi đồng đô la Mỹ mạnh lên thì giá vàng sẽ giảm xuống và ngược lại khi đồng đô la Mỹ yếu đi thì giá vàng tăng cao.
Hầu hết các nghiên cứu về các yếu tố quyết định giá vàng cho đến nay đều tập trung vào Hoa Kỳ, phản ánh sức nặng kinh tế và tài chính của cường quốc và vai trò của đồng USD là đồng tiền dự trữ chính của nền kinh tế toàn cầu.
Khi xem xét giá trị đồng bạc xanh, người ta thường đánh giá thông qua nền kinh tế Mỹ và những yếu tố chính được xem là thước đo phản ánh sức mạnh hay suy yếu của nền kinh tế Mỹ. Lịch sử đã ghi nhận trong thời gian nền kinh tế Mỹ suy thoái do sự sụp đổ của thị trường bất động sản kéo theo sự giảm giá trị của đồng USD vào năm 2008 – 2009, giá vàng đã tăng cao.
Cụ thể, sự suy giảm giá trị của đồng tiền có sức ảnh hưởng lớn với nền kinh tế cũng kéo theo sự suy giảm về niềm tin nơi các nhà đầu tư về đồng tiền này khiến họ chuyển sang các tiền tệ khác và thậm chí có thể là dùng vàng là đơn vị trao đổi hàng hóa. Giá vàng vì thế tăng cao. Đó cũng là lý do vì sao trong thời kỳ bất ổn về kinh tế và khi đồng đô la yếu đi, người ta thích đầu đầu tư vào vàng thông qua các phương tiện giao dịch vàng như quỹ vàng hoặc vàng vật chất.
Tuy nhiên sự thật không phải lúc nào giá vàng cũng chuyển động ngược chiều với đồng đo la bởi lịch sử đã ghi nhận có những thời điểm vàng và đô la Mỹ tăng giá cùng nhau dưới sự ảnh hưởng của nguồn cung cầu.
(Phú Tài sưu tầm và Tổng hợp)