Giá vàng trong nước và quốc tế đồng loạt giảm sâu đầu phiên sáng nay. Vàng SJC giảm xuống: 56,40 – 57,08 triệu/lượng (MV - BR). Vàng nhẫn tròn trơn 999.9 của Công ty VBĐQ Phú Tài niêm yết tại: 50,72– 51,52 triệu/lượng.
Giá vàng trong nước giảm sâu. Cụ thể:
Tại thị trường TP.HCM: Giá vàng SJC được Công ty VBĐQ Sài Gòn giao dịch tại: 56,40 – 57,08 triệu/lượng (mua vào - bán ra), giảm 300.000đ/lượng cả chiều mua vào và bán ra so với giá chốt phiên liền trước.
Tại Hà Nội: Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Tài công bố giá vàng nhẫn tròn trơn 999.9 Phú Tài ở mức: 50,72– 51,52 triệu/lượng (mua vào – bán ra), giảm 130.000đ/lượng cả chiều mua vào và bán ra so với giá đóng cửa phiên hôm qua.
Giá vàng trong nước giảm sâu theo vàng thế giới. Mỗi lượng vàng giảm hơn trăm đến vài trăm ngàn đồng so với phiên hôm qua. Đây được đánh giá là mức giá tốt để người dân và nhà đầu tư có thể mua vào. Tuần này, hoạt động giao dịch trên thị trường đã bắt đầu ổn định trở lại sau thời gian nghỉ giãn cách. Dù vậy thị trường giao dịch chưa thực sự “vào guồng” do vẫn ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tại Công ty Vàng Bạc Đá quý Phú Tài, kể từ đầu tuần đến nay không khí giao dịch diễn ra khá ổn định. Khách mua, bán đan xen toàn phiên.
Giá vàng trên thị trường quốc tế bất ngờ giảm mạnh cho dù đồng USD cũng đi xuống. Dòng tiền tìm đến các loại tài sản có độ rủi ro cao là yếu tố gây áp lực lên mặt hàng kim loại quý.
Đầu phiên sáng nay giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.749 USD/ounce. Đêm 23/9 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.754 USD/ounce. Vàng giao tháng 12 trên sàn Comex New York ở mức 1.755 USD/ounce.
Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 49,7 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 7,7 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 23/9.
Dòng tiền đổ vào cổ phiếu đã khiến các kênh đầu tư có độ an toàn cao hơn như USD và vàng kém hấp dẫn.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc và châu Á cũng tăng trở lại sau khi giới đầu tư bớt sợ hãi với sự kiện ông lớn bất động sản Evergrande đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Trong thời gian gần đây, vàng bị kẹt trong phạm vi 1.745-1.795 USD/ounce.
Câu chuyện của China Evergrande là động lực chính đối với thị trường vàng. Tâm lý né tránh rủi ro bởi các tin xấu về Evergrande làm tăng lực cầu trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, ngay cả khi nỗi sợ hãi lên cao, giá vàng vẫn không vượt lên được qua ngưỡng 1.795 USD/ounce.
Ngược lại, áp lực đối với vàng vẫn khá lớn. Theo phân tích kỹ thuật, nếu vàng vi phạm hỗ trợ của đường xu hướng tăng, được thiết lập bằng cách nối đáy phiên 8/20 với đáy phiên 20/9, ở mức 1748 USD/ounce thì nguy cơ khá cao là vàng sẽ sụt về đáy 6 tuần ở 1742 USD/ounce.
Vàng vẫn chưa thể tìm được hướng đi rõ ràng sau cuộc họp tháng 9 của Fed.
Fed không siết chương trình bơm tiền trong cuộc họp lần này và cũng giữ lãi suất không thay đổi ở phạm vi giới hạn bằng 0, như dự kiến. Tuy nhiên, Fed vẫn đang tìm cách thắt chặt các chính sách tiền tệ của mình. Theo các dự báo kinh tế mới nhất, khả năng tăng lãi suất đầu tiên vào nửa cuối năm 2022.
Gần đây, Fed cũng không còn quá lạc quan về tăng trưởng kinh tế và t hị trường lao động Mỹ.
Fed cũng dự báo áp lực lạm phát cao hơn. Áp lực lạm phát dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022. Trong năm 2023, Fed dự kiến lạm phát sẽ giữ ở mức 2,2%. Đến năm 2024, áp lực giá tiêu dùng dự kiến sẽ vừa phải, tăng 2,1%.
"Vàng Phú Tài – Giữ chữ Tín, trao Tài lộc"
(Trung tâm Phân tích thị trường vàng - Công ty Vàng Bạc Đá quý Phú Tài)