Nhìn chung đá, đá quý và trang sức gắn các loại đá khi còn mới đều rất long lanh sáng bóng. Tuy nhiên làm sao để giữ cho đá luôn luôn bóng đẹp trong quá trình sử dụng là điều không phải ai cũng biết. Bài viết này sẽ hướng dẫn các bạn những kinh nghiệm bảo quản đá quý và trang sức gắn đá.
Không nên đeo trang sức liên tục cả ngày, mà lúc đi tắm, đi ngủ nên bỏ ra. Như vậy vừa đỡ vướng víu, lại vừa tránh cho đá bị tiếp xúc với mồ hôi cơ thể quá lâu, dẫn đến bám bẩn.
Không nên đeo trang sức khi hoạt động mạnh, chơi thể thao, làm công việc nặng. Phần lớn các loại đá đều rất dễ vỡ khi bị va đập.
Khi trang điểm, nên đeo trang sức đá sau cùng và tháo ra đầu tiên khi tẩy trang. Vì một số thành phần hóa học trong mỹ phẩm có thể phản ứng với đá làm biến màu hoặc bám bẩn trên bề mặt đá.
Một số loại đá vô cơ có công thức hóa học là muối (VD Turquoise, sò hóa thạch, Calcite …) rất dễ phản ứng với axit và bazơ. Do vậy không được để các loại đá này tiếp xúc với môi trường kiềm (VD nước xà phòng, thuốc tẩy…) hoặc môi trường axit (VD dấm, nước chanh …). Nếu không axit và bazơ sẽ ăn mòn bề mặt đá, làm cho đá bị xỉn màu.
Không nên xếp lẫn lộn các loại trang sức đá khác nhau vào cùng 1 chỗ. Do mỗi đá đều có độ cứng khác nhau, nên đá cứng hơn có thể làm xước bề mặt của các đá mềm.
Khi đi bơi, tắm biển, lau dọn nhà cửa, rửa bát, giặt giũ, uốn, nhuộm, ép tóc … nên tháo trang sức đá để tránh các loại hóa chất tiếp xúc với đá, có thể làm mờ, bẩn đá.
Đối với các đá có độ trong, được mài giác với nhiều mặt cắt thì nên thường xuyên dùng bông mềm lau sạch bụi bẩn phía mặt sau viên đá, giúp viên đá luôn sạch và bắt sáng nhất.
Đối với các sản phẩm linh vật phong thủy nói riêng và các loại đá tạc nói chung, do bề mặt sản phẩm không bằng phẳng nên dễ bị bám bẩn ở các khe, kẽ đá. Khi đó có thể lấy bông mềm thấm dầu bóng tóc (hoặc các loại dầu khác) và lau chùi sản phẩm, sau đó để khô tự nhiên. Đá sẽ lại bóng đẹp như ban đầu.
Tuyệt đối tránh đánh rơi trang sức đá, vì ngay cả những đá có độ cứng cao thì vẫn rất dễ vỡ khi bị đánh rơi
Tránh để đá tự nhiên tiếp xúc với nhiệt độ cao (Hơ lửa, đèn khò, nồi hơi …). Do bên trong đá tự nhiên luôn có tạp chất. Khi nhiệt độ cao các thành phần trong lòng đá giãn nở khác nhau, có thể gây nứt vỡ đá. Ngoài ra với các loại đá đã được xử lý phủ thủy tinh, nhuộm màu … thì tiếp xúc với nguồn nhiệt có thể làm thay đổi màu đá, rỗ bề mặt đá …
Khi không đeo, nên cất giữ đá trong hộp đựng trang sức chia nhiều ngăn, vừa tránh thất lạc, vừa giúp đá không bị xước.
Đối với các loại đá hộ mệnh, đá phong thủy đeo trên người, nếu đã từng có người đeo trước đó thì trước khi bạn đeo nên tẩy rửa năng lượng đá để loại bỏ năng lượng của chủ nhân cũ. Cách thức tẩy rửa năng lượng đá sẽ được hướng dẫn trong một bài viết khác.
Đối với các loại vòng tay dạng chuỗi hạt, không nên giằng, giựt, tháo ra đeo vào quá nhiều lần, có thể làm đứt dây chun xâu vòng. Nên tháo ra đeo vào nhẹ nhàng.
Hy vọng với các kinh nghiệm này, các bạn sẽ sở hữu cho mình những món đá quý, đá phong thủy, đá trang sức luôn luôn long lanh, bóng đẹp, mang lại sự tự tin và may mắn cho bản thân.
(Phú Tài biên soạn tổng hợp)