Danh mục
VÀNG - NỖI ĐAM MÊ CỦA LOÀI NGƯỜI
VÀNG - NỖI ĐAM MÊ CỦA LOÀI NGƯỜI Ngày đăng: 14/08/2016

Bao người đã bực bội tự hỏi là vàng có dính dáng quái gì tới giá dầu lửa Trung Đông hay giá hối đoái đồng đô la cơ chứ? Nhưng từ bao đời nay, vàng đã là một chuẩn bền vững để đo lường hầu như mọi giá trị vật chất hay các loại hàng hoá trên giao thương quốc tế.

Từ điển Bách khoa định nghĩa nó là 1 nguyên tố kim loại màu vàng, sáng, có giá trị, có rất nhiều ứng dụng.

Đúng thế, vàng có thể dát cực mỏng, nó lại có khả năng phản hồi hầu như trọn vẹn tia sáng mặt trời, nên nếu lấy vàng dát mỏng cho cửa kiếng thì rất tuyệt: Ánh sáng soi vào phòng được, bên trong nhìn ra ngoài được, nhưng nhiệt từ tia nắng hầu như không lọt vào được nên đỡ tốn điện chạy máy điều hoà không khí. Cái mũ của phi hành gia cũng được phủ một lớp vàng, nếu không, đầu của họ sẽ nóng điên lên vì các tia khi đi vào vũ trụ.

Vàng có thể điều chế tan trong dầu được, quét dầu đó lên nhựa thuỷ tinh rồi cho nung nóng, dầu bay đi còn lại một lớp mỏng (độ một hai phần triệu xăng-ti-met) vì thế nên mới sinh ra những ly tách viền vàng ở miệng, những lọ nước hoa có trữ vàng cùng với đủ các thứ hàng mạ vàng khác, giá trị vàng mạ trên mỗi món như vậy chẳng tốn bao nhiêu.

Vàng dễ dát mỏng, khó bị ăn mòn và dẫn điện tốt nên đã tìm được đường chen vào những máy vi tính, ti vi và dẫn điện toán. Vàng cũng chui vào được miệng người ta nữa, để làm răng giả, tốt không kém răng thật. Nhưng vàng được sử dụng nhiều nhất là làm đồ trang sức. Chỉ riêng ở Mỹ mỗi năm người ta tiêu thụ chừng hai triệu rưỡi nhẫn vàng cho học sinh, sinh viên, học viên các khoá học.

Hãy thử đi một vòng khắp thế giới đâu cũng thấy người ta điên lên vì vàng.

Ở Bô-gô-ta, thủ đô Cô-lôm-bi-a, có một Viện Bảo tàng Vàng, chứa hàng ngàn món đồ vàng của các nền văn minh da đỏ ở đây vào thời kỳ trước khi bị người Tây Ban Nha xâm lược Viện đã thu hút rất nhiều du khách.

Người Tây Ban Nha khi tới đây đã bóc lột vàng của thổ dân rồi bắt họ khai thác mỏ vàng rất cực nhọc. Đến bây giờ số vàng xưa ấy chỉ còn xót lại trong các ngôi mộ mà người Tây Ban Nha chưa đào bới tới. Mỗi năm, Viện thu mua được với giá cao hàng trăm mẫu vật bằng vàng do dân đào được từ những khu mộ cổ. Vàng cũng gây hại cho ngành khảo cổ ở đây vì bị chúng đào bới lung tung không có phương pháp gì cả. Mà nếu các khu mộ có món gì khác ngoài vàng, như đồ gốm chẳng hạn thì người ta cũng liệng thẳng hay đập nát.

Nhà nước và tư nhân ở đây cũng tranh nhau mua vàng và các cổ vật. Những cổ vật nào còn cao giá hơn vì được coi là tác phẩm nghệ thuật và được lén chuyển sang Hoa Kỳ hoặc Tây Âu. Dĩ nhiên ở đây cũng phát triển nghề làm đồ vàng giả cổ để bán cho du khách.

Một chuyên gia ước tính tổng trữ lượng các mỏ vàng trên thế giới là 80 nghìn tấn.

Nếu đem trải thì được một lớp dày chừng 76cm, gom lại thì được một khối vuông mỗi chiều cỡ 16m. Nơi chứa vàng khối lớn nhất là Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ đặt tại Niu Yóoc có chừng 13 tấn vàng thuộc sở hữu của 18 nước khác nhau kí gửi tại đó. Trữ lượng vàng của Mỹ có chừng 9 tấn, chứa ở Fort Knax và độ năm bẩy địa điểm khác, tất cả đều do Bộ Ngân khố Hoa Kỳ quản lý.

Cộng hoà Nam Phi là nguồn cung cấp vàng lớn nhất thế giới chiếm khoảng 2/3 sản lượng vàng thế giới với độ 50 mỏ vàng. Có những mỏ đi sâu xuống tới 3 hoặc 4 ngàn mét và điều kiện làm việc thì khỏi mô tả về sự bi đát của nó. Vàng Nam Phi được phân phối lại khắp thế giới.

Các Pha-ra-on Ai Cập xưa kia cũng rất mê vàng, cái quan tài bằng vàng của vua Tu-tan-kha-mu khai quật được vào năm 1922 cân nặng khoảng 122kg, được chạm trổ rất tinh xảo. Người Ai Cập coi vàng tượng trưng cho ánh sáng và sự sống. Thời xưa, chỉ có vua chúa quan quyền mới được dùng vào khoảng năm 1300 sau công nguyên, vàng trở nên nhiều và công chúng bắt đầu có vàng. Người ta nói đàn ông Hồi giáo không đeo vàng, vì thế là phô trương và mang vẻ đàn bà. Nhưng chẳng gì ngăn họ sở hữu vàng khối.

Buôn lậu vàng thì khỏi nói, dù cho luật pháp cấm và trừng phạt đến mấy, nó vẫn xảy ra với thiên hình vạn trạng. Nhiều nước cấm nhập cảng vàng khiến giá vàng ở đó cao hơn giá thế giới chút đỉnh, điều đó khiến vàng lại càng có xu hướng được buôn lậu vào những nước đó để đổi lấy đô-la Mỹ chợ đen.

Vàng pha bạc sẽ có màu hơi trắng, pha đồng hơi đỏ, pha sắt màu hơi xanh. Người ta gọi vàng tinh khiết tới 99% là vàng 24K. Vàng ở Mỹ thường chỉ có 14 K (  58,33%), ở Ấn Độ lại thông dụng thứ vàng 22K ( 91,66%). Vàng cao tuổi thì hơi mềm, nếu làm trang sức đeo hàng ngày thì dễ bị méo móp nên lâu lâu phải làm lại.

Năm 1970, Ấn Độ cấm nhập vàng, bắt gia đình nào có hơn 4kg vàng thì phải khai báo, nhưng đạo luật này đã bị thất bại hoàn toàn. Người Ấn Độ giáo rất quan trọng vàng, xem nó là biểu tượng của sự tinh khiết và điềm lành. Đứa nhỏ mới sinh ra sẽ được cọ vào 1 vật bằng vàng, lúc lìa đời, trước khi thiêu xác, người ta cũng cho 1 mẩu vàng vào miệng xác chết. Người ta tin rằng đeo vàng sẽ đem lại may mắn và thịnh vượng, tẩy rửa được tội lỗi, trừ được bệnh tật, cô dâu về nhà chồng thì được phủ bằng đủ thứ trang sức bằng vàng từ đỉnh đầu xuống tới gót chân.

(Tài liệu sưu tầm)