Danh mục
Những ẩn số về trang sức Việt
Những ẩn số về trang sức Việt Ngày đăng: 10/10/2016

Cách đây không lâu, trong một cuộc triển lãm về trang sức của người Việt cổ, chúng tôi được chiêm ngưỡng những món đồ trang sức quý giá được chế tác hết sức công phu và tinh xảo có niên đại cách đây hàng mấy nghìn năm như khuyên tai đá, trâm cài đầu, vòng chân, gương đồng, chuỗi hạt thủy tinh...

Đây là những sản phẩm đặc biệt có từ thời văn hóa Đông Sơn, Óc Eo, Sa Huỳnh, Phùng Nguyên...

Dòng trang sức của những ông hoàng bà chúa

Trong cuốn sách “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” (Une campagne du Tonkin, 1892), vị bác sĩ người Pháp, tác giả của cuốn sách đã có những lời nhận xét hết sức thú vị về lối dùng trang sức của người Việt xưa, đại ý rằng: phụ nữ xưa, nhất là giới quý tộc thường thích đeo hoa tai và đeo nhẫn, một số khác lại thích đeo dây chuyền bằng vàng hay bằng bạc làm bằng những chuỗi ngọc hay kim loại to như hạt đậu và đeo thành nhiều vòng quanh cổ…


Trang sức được người phụ nữ Việt sử dụng ở các thế kỷ trước.

Những câu chuyện trên đã phần nào cho thấy được diện mạo của trang sức ViệtNam xưa, nhất là dòng trang sức cao cấp. Để giải mã cho vấn đề này chúng tôi đã tìm về Huế, mảnh đất cuối cùng của những triều đại phong kiến ở Việt Nam . Tại nơi đây, dẫu không còn thật nhiều, nhưng chí ít vẫn còn lưu dấu lại đôi nét thú vị về câu chuyện trang sức chốn cung đình. Và đặc biệt hơn, đây cũng chính là nơi khai sinh ra tộc kim hoàn xứ Huế, một trong những cái nôi làm đồ trang sức cung đình nổi tiếng của Việt Nam xưa.

Cứ theo như lời của các bậc cao nhân ở đây kể lại thì thời nhà Nguyễn (cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX), giới quý tộc quan lại thường rất thích mang những đồ trang sức được làm bằng vàng bạc và cẩm thạch như nhẫn, xuyến, kiềng, dây chuyền... Người quý phái thường đeo những sợi dây chuyền quấn nhiều vòng quanh cổ, kết bằng những hạt vàng hay ngọc to bằng hạt đậu. Đến giữa thế kỷ XX, hoàng hậu Nam Phương, bà hoàng cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn, vẫn còn đeo những chuỗi hạt như thế mỗi khi xuất hiện trước công chúng. Có một thứ trang sức mà ngày nay không còn thấy nữa đó là những miếng ngọc bội mà các phu nhân nhà quan hay các bà trong hoàng tộc ở kinh thành Huế xưa thường hay đeo trong các ngày lễ trọng. Đó mới chỉ là mấy nét sơ qua về đồ trang sức cung đình Huế xưa, để nói kỹ về vấn đề này thiết nghĩ chỉ một vài ba trang báo hay mấy cuộc luận bàn xem ra cũng chưa đủ.


Một số sản phẩm trang sức của người Việt xưa.

Lại nói đến kỹ thuật chế tác, theo ông Nguyễn Hữu Nhơn, Tộc trưởng tộc kim hoàn xứ Huế, người hiện đang nắm giữ nhiều bí quyết về nghề chế tác trang sức cung đình cho biết nhiều món đồ trang sức dành cho các ông hoàng bà chúa do chính tộc kim hoàn xứ Huế làm nên không chỉ đạt đến trình độ kỹ thuật tinh xảo mà còn thể hiện được sự quý phái, sang trọng xứng với tầm chủ nhân của chúng. Chính vì vậy mà tộc kim hoàn xứ Huế đã từng nhiều lần được triều đình nhà Nguyễn ban sắc phong tưởng thưởng vì công sức đó. 


Sản phẩm làm theo lối cung đình xưa của thợ kim hoàn xứ Huế.

Nét đặc biệt trong kỹ thuật chế tác của nghề làm trang sức Huế tựu trung ở 3 chữ “trơn, chạm và đậu”. "Trơn" là kỹ thuật tạo hình có tính cơ bản mà người thợ bạc nào cũng trải qua và làm được; "chạm" là cách dùng vật nhọn để khắc vẽ. Cuối cùng và cũng là đặc biệt nhất là kỹ thuật “đậu”, tức là lối dùng vàng bạc kéo thành những sợi chỉ mảnh như tơ dài hàng chục thước để tạo hình nên những thứ hàng có độ tinh xảo cao. Các kỹ thuật này đều được làm bằng tay, đến cách nung chảy vàng bạc cũng nhờ đến hơi nóng được tạo ra bằng cách dùng miệng thổi từ một ống kim loại nhỏ qua ngọn lửa của cây đèn dầu lạc. Đây cũng chính là nét đặc sắc nhất trong kỹ thuật làm đồ trang sức của người Huế mà hiện nay hầu như không còn thấy nữa.

Những món trang sức cung đình cuối cùng rồi cũng mai một dần theo năm tháng, nhưng nghề làm trang sức của người Việt thì không vì thế mà mai một đi. Bằng chứng là ngày nay nghề này đang phát triển ngày một nhiều và mạnh hơn lên, đặc biệt là đồ trang sức làm bằng đá quý.

Azami - niềm kiêu hãnh của đá quý Việt

Có  thể nói, đá quý là món quà vô giá mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho con người. Ở Việt Nam, nghề khai thác cũng như chế tác đồ trang sức bằng đá quý đã có từ lâu đời và cũng đã đạt được những thành quả đáng nể. 


Một số mẫu trang sức của Azami.

Trong số hàng chục thương hiệu đá quý đang hoạt động và bắt đầu định vị được tên tuổi trên thị trường hiện nay, Azami là một trong những cái tên được nhiều người nhắc đến. Chị Nguyễn Thu Cúc, người xây dựng nên thương hiệu đá quý Azami của Việt Nam và cũng là người đã từng có 18 năm lăn lộn trong ngành thiết kế trang sức đá quý cao cấp ở Nhật Bản cho biết: “Việt Nam là quốc gia rất giàu về tiềm năng đá quý, đặc biệt là hồng ngọc (rubi), một trong những loại đá quý được thị trường thế giới thừa nhận là có giá trị cao cả về mặt kinh tế lẫn thẩm mỹ. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để ngành trang sức đá quý của Việt Nam có thể thừa hưởng phát triển mạnh”. Chính vì vậy mà chị đã quyết định rời bỏ Nhật Bản, một trong những thị trường trang sức đá quý lớn của thế giới, để quay trở về Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư sâu hơn vào lĩnh vực này.

Bằng kinh nghiệm kỹ thuật hiện đại cùng với trình độ tay nghề sắc sảo của đội ngũ kỹ thuật viên trong nước, chị đã từng bước xây dựng thành công thương hiệu đá quý Azami của mình với nét đặc sắc riêng. Trăm nghe không bằng một thấy, có tận mắt chứng kiến những bộ sưu tập trang sức bằng đá quý của Azami được trưng bày ở Showroom (azami.com.vn) số 1N Đặng Thái Thân, Hà Nội mới thấy được hết vẻ đẹp kỳ ảo và sang trọng của thứ đồ trang sức được liệt vào hạng xa xỉ này. Nét truyền thống dân gian được thể hiện hòa quyện một cách hài hòa và cân xứng trong từng đường nét chạm khắc mang phong cách hiện đại của mỹ thuật đương đại đã tạo nên những nét cá tính cho từng sản phẩm của Azami. Điều này được thể hiện rõ ở những bộ sản phẩm như dây chuyền đá, vòng đá, nhẫn đá, lắc đá… với hàng trăm dạng hoa văn chạm khắc tinh tế khác nhau. Ví dụ như sản phẩm mặt đá hình rồng được chế tác với sự hội tụ của hơn 200 trăm hoa văn chạy dọc theo đường cong uốn lượn của mình rồng. Ngoài ra, các bộ sản phẩm khác được tạo tác theo những chủ đề riêng như: lời thì thầm của đá, đồ vật quanh ta, nhịp sống đời thường...

Chị Nguyễn Thu Cúc cho biết, phẩm chất đầu tiên quyết định đến sự sống còn của đá quý Azami đó chính là sự trung thực được thể hiện sâu sắc trong từng thớ đá. Điều đó cho thấy mỗi một sản phẩm đá quý của Azami được bảo đảm chính xác tuyệt đối về các chỉ tiêu và thông số vốn có của nó như niên đại, xuất xứ, độ cứng, độ bóng sáng, độ tì vết… Nói tóm lại, sự lừa dối sẽ không có chỗ đứng trong từng viên đá của Azami.

Không chỉ tạo được uy tín với khách hàng trong việc đảm bảo chất lượng, sản phẩm đá quý Azami còn đem đến cho người chơi những cảm giác thú vị về mặt kiểu dáng. Sản phẩm của Azami thường mang tính độc bản, nghĩa là không có sản phẩm nào giống với sản phẩm nào. Chính điều này đã tạo nên tính hấp dẫn cao đối với người sử dụng khi khi làm đẹp mình với trang sức Azami cao cấp mà không sợ bị “đụng hàng”. Vì vậy, nhiều người đã tìm đến với Azami để đặt những mẫu hàng được thiết kế riêng theo yêu cầu và sở thích nhằm thể hiện được nét cá tính cũng như đẳng cấp của mình.

Hiện nay, sau gần 10 năm hoạt động ở thị trường Việt Nam, bằng những lối đi riêng mang đậm cá tính của mình, Azami đã từng bước tạo được những dấu ấn riêng trong làng thời trang trang sức cao cấp của Việt Nam. Với 3 xưởng chế tác trang sức theo công nghệ tiên tiến của thế giới ở Hà Nội và hơn 2.000 mẫu sản phẩm chuyên biệt về đá quý, hy vọng trong tương lai không xa, thương hiệu đá quý Azami sẽ làm rạng danh dòng trang sức đá quý Việt Nam trên thị trường trang sức thời trang cao cấp của thế giới.

Ngọc trai Vân Đồn, món quà vô giá từ biển cả

Trong hành trình đi tìm những ẩn số về ngành trang sức Việt Nam chúng tôi còn phát hiện ra rằng Việt Nam còn là một quốc gia rất có tiềm năng về nghề khai thác ngọc trai cũng như nuôi trai lấy ngọc để làm trang sức.

Nói đến nghề nuối trai lấy ngọc ở Việt Nam, không thể không nhắc đến địa danh huyện đảo Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), nơi đã sản sinh ra thương hiệu ngọc trai Spica nổi tiếng của Công ti Taiheiyo Shinju Vietnam, một doanh nghiệp liên doanh nuôi cấy ngọc trai lớn nhất giữa Việt Nam và Nhật Bản. Đến với Vân Đồn, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp trời nước ở một vùng biển nổi tiếng của Việt Nam mà còn được chiêm ngưỡng những “cánh đồng” nuôi trai lấy ngọc khá ấn tượng của Công ty Taiheiyo Shinju Vietnam giữa một vùng biển yên bình được che chở bởi muôn trùng đảo đá của huyện đảo Vân Đồn.


Phân loại ngọc trai thô để chọn lọc ra thành phẩm của ngọc trai biển Việt Nam.

Ngọc trai Spica được tạo ra trên cơ sở nuôi cấy từ giống trai lai tạo giữa hai loài trai của Nhật Bản và Việt Nam và được nuôi trồng tại vùng biển Bái Tử Long của huyện Vân Đồn nên đã tạo ra được những viên ngọc trai đặc biệt có thành phần cấu tạo chính là lớp xà cừ carbonate calcium chiếm tới hơn 90%. Ngọc trai Spica được đánh giá là có độ thuần khiết cao, có nhiều màu sắc sang trọng, quyến rũ như vàng lưu ly, hồng anh đào, xám thủy ngân… nên không hề thua kém bất kỳ sản phẩm ngọc trai nào của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Nhờ có phẩm chất đặc biệt như vậy nên năm 2005, ngọc trai Spica đã xuấu khẩu sang thị trường Hồng Kông, Trung Quốc, Thái Lan và một số nước châu Âu. Cũng trong năm đó, ngọc trai Spica Vân Đồn được Uỷ ban Trung ương các Hội doanh nghiệp trẻ toàn quốc trao tặng giải thưởng "Sao Vàng đất Việt" (Giải thưởng lớn dành cho các thương hiệu và sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam hội nhập quốc tế) và được Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế trao tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phát triển sản phẩm và thương hiệu tham gia Hội chợ quốc tế. Có thể nói, thương hiệu ngọc trai Spica đã ghi danh Việt Nam lên bản đồ sản xuất ngọc trai thế giới, đồng thời góp phần rất lớn vào việc tạo dựng nên sự phong phú về nguồn nguyên liệu cho ngành trang sức Việt Nam thời hội nhập.

Câu chuyện về trang sức Việt không chỉ dừng lại ở giá trị kinh tế và tính thẩm mỹ, mà sâu xa hơn nữa đó chính là hàm lượng văn hóa từ nghìn đời của người Việt được kết tinh qua từng sản phẩm, cho dù sản phẩm đó được chế tác theo kiểu dáng công nghệ và chất liệu nào. Đó chính là những ẩn số thú vị về các dòng trang sức Việt mà chúng ta đang đeo đuổi để mong tìm ra được lời giải đáp có hậu nhất.

(Tài liệu sưu tầm)